Trích nguồn tin http://www.impe-qn.org.vn
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã thông báo kết quả kiểm nghiệm các mẫu bệnh phẩm gây ngộ độc thực phẩm trên địa bàn huyện Bát Xát (Lào Cai) làm 22 người mắc.
22 người bị ngộ độc thực phẩm vì tiết canh ngựa
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã thông báo kết quả kiểm nghiệm các mẫu bệnh phẩm gây ngộ độc thực phẩm trên địa bàn huyện Bát Xát (Lào Cai) làm 22 người mắc. Cụ thể, qua quá trình xác minh của các cơ quan chức năng và căn cứ kết quả kiểm nghiệm từ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Lào Cai về vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể của gia đình ông Cao Quyết Thắng với tổng số 53 người ăn (có 22 người ngộ độc), Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Lào Cai kết luận:
Nguyên nhân ngộ độc do nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng, E. coli trong tiết canh ngựa và canh rau ngót nấu tiết. Hiện các cơ quan chức năng đang tiến hành lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể của gia đình ông Cao Quyết Thắng tại khu vực cửa khẩu phụ Bản Vược, huyện Bát Xát, Lào Cai.
- Lào Cai: ăn tiết canh ngựa, 79 người ngộ độc
Sau khi ăn tiết canh ngựa tại một đám cưới, 79 người đau bụng quằn quại, nôn mửa và đi ngoài liên tục, phải đưa vào viện cấp cứu. Sáng nay 11-7, bác sĩ Phạm Hồng Việt – giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Khương – cho biết 79 người dân ở các xã Bản Lầu, Lùng Vai và thị trấn Mường Khương (huyện Mường Khương, Lào Cai) đã phải đến các cơ sở y tế để cấp cứu, xử lý ngộ độc thực phẩm. Các trạm y tế và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai phải bù dịch đủ khối lượng tuần hoàn đã mất, tiêm kháng sinh để xử lý ngộ độc đường tiêu hóa cho bệnh nhân.
Theo Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Lào Cai, qua xét nghiệm mẫu bệnh phẩm lấy tại hiện trường cho thấy các bệnh nhân trên bị ngộ độc thực phẩm do ăn tiết canh ngựa bị nhiễm khuẩn, do cấp cứu kịp thời nên không có ca nào tử vong. Hiện tại sức khỏe của các bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm tiến triển tốt, có thể xuất viện sau 3-5 ngày tới.
- Hưng Yên: ồ ạt bệnh nhân nhập viện vì ngộ độc
Tính đến trưa 11-7, Trung tâm Y tế huyện Ân Thi, Hưng Yên đã tiếp nhận thêm hơn 40 công nhân bị ngộ độc, nâng tổng số ca ngộ độc tại Công ty may Foremart lên khoảng 130 người. Trưa 11-7, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Anh Tuấn, phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ân Thi, cho biết từ sáng 10-7 đã có hàng loạt công nhân của Công ty may Foremart phải cấp cứu sau khi có các biểu hiện ngộ độc thực phẩm là đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy… Hầu hết số công nhân này là nữ, cá biệt có trường hợp đang mang thai và đều tập trung tại xưởng sản xuất số 2 của công ty. Đến khoảng 15g cùng ngày tổng số công nhân phải cấp cứu đã lên tới 92 người.
Do số lượng bệnh nhân quá đông, trung tâm y tế không đáp ứng đủ giường bệnh phục vụ nên phải tiến hành cấp cứu, điều trị cho nhiều bệnh nhân tại hành lang, trên sàn nhà. Tính đến thời điểm hiện tại, đa số công nhân đã dần ổn định tuy nhiên có một số trường hợp nặng, phụ nữ mang thai được đưa lên bệnh viện tỉnh Hưng Yên để điều trị tiếp.
Ông Tuấn cũng cho biết qua điều tra dịch tễ, ngày 9-7, khoảng 1.000 công nhân đã ăn trưa tại Công ty Foremart với khẩu phần gồm có cơm, canh ngao nấu rau mùng tơi, giò lụa, giá xào. Ngay buổi chiều cùng ngày, một số công nhân đã có các biểu hiện đau bụng, đi ngoài, nôn mửa. Sang đến sáng 10-7 đã có thêm nhiều công nhân khác có tình trạng nôn mửa, ngất xỉu ngay tại xưởng.
Ông Đỗ Mạnh Hùng, chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hưng Yên, cho biết sáng 10-7, ngay khi có thông tin về vụ ngộ độc, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hưng Yên và Trung tâm Y tế huyện Ân Thi đến Công ty Foremart và các phòng bệnh tiến hành điều tra dịch tễ, lấy mẫu thức ăn kiểm nghiệm truy tìm nguyên nhân gây ngộ độc. “Hiện các mẫu thức ăn này đang được tiến hành kiểm tra, kết quả sẽ có trong 2-3 ngày tới” – ông Hùng nói.
- Các nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm
Thực phẩm rất dễ bị ô nhiễm bởi các tác nhân sinh học, các chất độc hại hóa học, độc hại vật lý có thể gây ngộ độc nguy hiểm và ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.
Các tác nhân sinh học chính gây ô nhiễm bao gồm: vi khuẩn, nấm mốc, vi rút và ký sinh vật
- Vi khuẩn có ở mọi nơi xung quanh chúng ta. Phân nước thải, rác bụi, thực phẩm tươi sống là ổ chứa của nhiều loại vi khuẩn gây bệnh. Trong không khí và ngay ở trên cơ thể người cũng có hàng trăm loại vi khuẩn, cư trú ở da (đặc biệt là ở bàn tay), ở miệng, ở đường hô hấp, đường tiêu hóa, bộ phận sinh dục, tiết niệu. Thức ăn chín để ở nhiệt độ bình thường là môi trường tốt cho vi khuẩn trong không khí xâm nhập và phát triển rất nhanh, đặc biệt các thức ăn còn thừa sau các bữa ăn chỉ cần một vài giờ là số lượng vi khuẩn có thể sinh sản đạt đến mức gây ngộ độc thực phẩm.
- Nấm mốc thường gặp trong môi trường sống, nhất là ở trong các lợi ngũ cốc, quả hạt có dầu dự trữ trong điều kiện khí hậu nóng ẩm như ở nước ta. Nấm mốc gây hư hỏng thực phẩm, một số loại còn sản sinh ra các độc tố nguy hiểm. Aflatoxin là độc tố vi nấm được biết rõ nhất do nấm Aspergillus Flavus và Aspergillus Parasiticus sản sinh ra trong ngô, đậu và lạc ẩm mốc có thể gây ung thư gan.
- Vi rút gây ngộ độc thực phẩm thường có trong ruột người. Các nhuyễn thể sống ở vùng nước ô nhiễm, rau quả tưới nước có phân tươi hoặc các món rau sống chuẩn bị trong điều kiện thiếu vệ sinh thường hay bị nhiễm vi rút bại liệt, vi rút viêm gan.
- Vi rút có thể lây truyền từ phân qua tay người tiếp xúc hoặc từ nước bị ô nhiễm phân vào thực phẩm, với một lượng rất ít virút đã gây nhiễm bệnh cho người. Virút nhiễm ở người có thể lây sang người khác trước khi phát bệnh.
- Ký sinh vật thường gặp trong thực phẩm là giun sán. Người ăn phải thịt có ấu trùng sán dây trong thịt bò (sán dây bò), trong thịt lợn (thịt lợn gạo) chưa nấu chín, khi vào cơ thể thì ấu trùng sẽ phát triển thành sán trưởng thành ký sinh ở đường tiêu hóa và gây rối loạn tiêu hóa.